TRƯỜNG THCS NGUYỄN DU – NGÀY ẤY …

Trường THCS Nguyễn Du nằm bên trái dọc trên Quốc lộ 30 hướng từ thị trấn Sa Rài lên cửa khẩu Dinh Bà. Điểm đề mọi người nhận biết là bảng hiệu được đặt trên hai cột trụ bê tông kiêng cố với nền bảng hồng, viền xanh, chữ trắng – nét rất riêng của vùng đất Sen Hồng. Đã tự bao giờ nơi này đã không còn xa lạ với tôi với mỗi ngày xe nhiều lần lăn bánh ra vào cánh cổng ấy!

Bồi hồi nhớ lại năm 2004, ngày đầu tiên nhận nhiệm sở, tôi nôn nao, háo hức hòa với tiếng nổ không cần sự hỗ trợ của phương tiện khuếch đại âm thanh mà cả xóm phải giật mình khi chiếc xe wawe Trung Quốc lướt qua phi nhanh tới nơi mình sẽ được đứng trên bục giảng ê a i tờ. Lúc đó, tôi không biết đường đi và cũng không biết trường Nguyễn Du ở đâu, hình dáng, màu sắc… như thế nào. Hỏi đường mọi người tôi cũng tìm đến nơi được theo chỉ dẫn. Hiện ra trước mắt là khu đất vừa phải cỏ mọc không theo hàng lối nhưng vô cùng xanh mướt, một vài chú trâu không người chăn dắt còn đang thong thả nhai cỏ. Phía bên phải là dãy 5 phòng học cấp 4 được quét vôi màu vàng, cửa sổ và cửa chính mỗi phòng đực làm bằng sắt. Phía bên trái là 2 phòng lắp ghép (vách ngăn và nóc được ghép bởi những tấm ton). Ngạc nhiên vô cùng với những gì hiện ra trước mình vì trường khác xa với những gì tôi nghĩ (trong trí tưởng tượng của mình Trường Nguyễn Du sẽ rất to và rộng với nhiều dãy phòng học, nhiều cây xanh cao to cho nhiều bóng mát và có cả hòn non bộ,… giống như những trường ở thị xã Cao Lãnh mình đươc kiến tập, thực tập). Tôi tự trấn an: “chắc mình đi lộn chỗ”. Chưa vững lại tinh thần thì mọi suy nghĩ hay hành vi “thao túng” trong tôi bị phá vỡ bởi cái bảng nền xanh chữ trắng “TRƯỜNG THCS NGUYỄN DU” được đặt ở giữa sân đất trống ấy. Ngạc nhiên nối tiếp khi tôi biết trường còn có thêm điểm phụ, phía xa thấp thoáng màu vôi vàng quen thuộc hiện lên trong tầm nhìn hút mắt . Và dấu chấm hỏi lớn trong tôi “ra đó bằng cách nào?” với biển nước mênh mông, trắng xóa ngập cả đồng ruộng, đường đi do thượng nguồn đỗ về vào mùa nước nổi. Tôi không biết điểm chính (Nguyễn Du) đến điểm phụ (Cả Găng) tính đường bộ hay đường chim bay là bao nhiêu cây số, chỉ biết là chính ra phụ là mất 15 phút ngồi xuồng máy.

Hồi đó, tôi hai mươi hai tuổi – cái tuổi vẫn còn thích ồn ào, náo nhiệt, thích đèn xanh đỏ của chốn đô thành nhưng cũng rất sôi sục và tâm huyết với nghề mình đã chọn. Sau những thời gian ngỡ ngàng và hụt hẫng tôi cũng dần thích nghi với hoàn cảnh. Tôi đã hoạch định sau một năm công tác ở đây tôi sẽ chuyển về trường gần nhà hơn, đỡ khó khăn vất vã hơn nơi này. Nơi vùng biên ấy, tôi – cô giáo trẻ vừa vào nghề với chiều cao muốn viết đủ nội dung bài học lên bảng phải nhón hết chân (có khi phải đôn thêm ghế), với cân nặng muốn dựng xe bị ngã lên vì đường sình lầy trơn trượt phải nhờ người đi đường – vừa học tập vừa trau dồi vừa tích lũy kinh nghiệm chuyên môn, đồng thời cũng rất vụng về, lúng túng trong công tác chủ nhiệm nhất là việc vận động học sinh đến trường (một vài học sinh tôi chủ nhiệm nhà rất xa, xa tít ở nơi mà tôi không biết gọi tên là gì muốn đến trường phải chèo xuồng mới đến được, bản thân tôi khi đến nhà các em đó cũng phải đi bằng xuồng – điều này là trở ngại lớn nhất vì tôi không biết bơi). Khó khăn nối tiếp khó khăn, vất vả chồng chất vất vả, trở ngại này đi đến trở ngại khác, … Có đôi lúc tôi cảm thấy hối hận vì quyết định chọn về nơi này công tác. Chông chênh là vậy nhưng trong suốt chín tháng công tác nơi đây –  nơi ngày nắng bụi đường như sương mù, ngày mưa thì ngã xe và đứt dép là chuyện rất đỗi bình thường – tôi cảm nhận được sự khao khát có được từng con chữ trong ánh mắt vừa rụt rè xa lạ vừa muốn đến gần bên cô, trang phục lấm lem, chiếc áo trắng ngà vàng không phải màu vàng của nước nhiễm phèn mà nó được nhuộm bởi màu vàng phù sa rất riêng của miền sông nước vùng biên nhưng ngày cũng cắp sách đến trường của các cô cậu học trò nhỏ. Hành động khoanh tay, cuối đầu lễ phép chào thầy, chào cô. Sao mà thương quá vậy! Bên cạnh đó, tôi nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ, thậm chí làm thay của các thầy cô vào nghề trước. Những việc làm đó, với tôi nó trên cả tình đồng nghiệp, đó là tình người, tình thân – tình cảm của người anh, người chị đang dìu dắt, nâng đỡ đứa em gái còn non trẻ mới vào nghề thích nghi khó khăn, biết cách giải quyết vấn đề trong mọi hoàn cảnh. Có lẽ trong tôi “đất đã hóa tâm hồn” từ những điều bình dị đó.

Giờ đây, Trường Nguyễn Du đã chuyển mình có thêm nhiều dãy phòng học được xây dựng khang trang, đầy đủ các phòng chức năng phù hợp với danh hiệu “Trường đạt chuẩn Quốc gia”; đạt chuẩn “Xanh – Sạch – Đẹp” với công trình cây xanh, hoa kiểng, đồi cỏ…; Thư viện tiên tiến, Nhà vệ sinh thân thiện,… Mọi thứ đã thay đổi, hoàn thiện và hiện đại hơn nhưng “ánh mắt” và “tình người” vẫn còn mãi để mười, hai mươi năm sau tôi lại bồi hồi nhớ lại năm 2004 …

Người viết : Châu Ngọc