TIỂU SỬ CỤ NGUYỄN DU

(Ất Dậu_1765 – Canh Thìn_1820)

     Nguyễn Du, tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quán tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, con thứ bảy Cụ Hoàng Giáp Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm. Thân phụ ông thi đỗ Tiến sĩ và làm quan đến chức Tể Tướng thời Lê-Trịnh. Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (1765) ở phường Bích Câu, thành Thăng Long (sau này là Hà Nội), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 đời nhà Lê.

      Thân phụ Nguyễn Nghiễm qua đời lúc Nguyễn Du mới 10 tuổi (1775) và thân mẫu của Nguyễn Du là Bà Trần Thị Tần (1740-1778), sinh quán ở tỉnh Bắc Ninh) mất sớm lúc Nguyễn Du 13 tuổi, nên Nguyễn Du về sống với người anh khác mẹ là Nguyễn Khản (hơn Nguyễn Du 31 tuổi, Hồng Lĩnh Hầu Nguyễn Khản, trấn thủ Sơn Tây-Hưng Hóa, làm quan Tả Tư Giảng cho thế tử Trịnh Tông) nuôi dưỡng và cho ăn học. Cụ Nguyễn Du đỗ tam trường thi Hương khi 19 tuổi, là người học rộng, tinh thông cả Phật học và sành các môn thi họa. Năm 1784, vì đỗ thấp, Nguyễn Du chỉ được thế chân người cha nuôi họ Hà vừa mới mất, làm một chức quan võ ở Thái Nguyên.

      Trong suốt mười năm từ 1786-1795, Nguyễn Du lưu lạc ở quê vợ Thái Bình. Trong những năm 1796-1802, Nguyễn Du lui về ẩn cư tại quê nhà ở Tiên Điền, Hà Tĩnh, mặc dù sống rất nghèo nhưng an nhiên, tự tại vì Nguyễn Du đọc kinh Phật, tu học thiền để tìm đạo giải thoát. Năm Gia Long nguyên niên (1802), Nguyễn Du được triệu ra làm quan, bắt đầu là Tri Huyện Phụ Dực, Thái Bình; ít lâu sau làm Tri Phủ Thường Tín (nay thuộc Hà Đông). Năm 1805, Nguyễn Du đã được phong tước là Du Đức Hầu. Sau đó Nguyễn Du cáo bệnh xin lui về quê.

Năm Gia Long thứ 5 (1806), Nguyễn Du được triệu vào kinh đô Huế giữ chức Đông Các Học Sĩ; Năm 1809, làm Bố Chính tỉnh Quảng Bình. Tháng 2 năm 1813, Nguyễn Du được thăng Cần Chánh Điện Học Sĩ, rồi có chỉ sai làm Chính Sứ tuế cống đi Trung Hoa và tháng 4 năm Giáp Tuất (1814) ông trở về Kinh được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Nguyễn Du sắp sửa đi sứ Trung Hoa lần nữa, nhưng bị bệnh mất ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn 1820, thọ 56 tuổi. Thi văn chữ Hán của Nguyễn Du để lại gồm Thanh Hiên Tiền Hậu Tập, Bắc Hành Thi Tập, Nam Trung Tạp Ngâm, Lê Quí Kỷ Sự.

      Về thơ Nôm, Nguyễn Du lưu lại trong kho tàng văn học Việt Nam thiên trường thi bất hủ Đoạn Trường Tân Thanh, được truyền tụng trong dân gian và được liệt vào tài liệu giáo khoa dạy ở bậc trung học. Đoạn Trường Tân Thanh là áng văn chương tuyệt tác, viết theo thể thơ lục bát gồm 3.254 câu, dài nhất trong các tác phẩm xưa nay. Ngoài ra, bài thơ chữ Nôm “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” là một ngâm khúc gồm có 184 câu theo thể song thất lục bát, trong đó chứa đựng tấm lòng từ bi của người Phật tử Nguyễn Du đối với cảnh khổ của muôn vạn sinh linh, cũng là một tác phẩm giá trị được nhiều học giả nghiên cứu, trích giảng./.