KHÓ KHĂN TRONG SINH HOẠT CHUYÊN MÔN ĐỐI VỚI TỔ GHÉP
Sinh hoạt tổ chuyên môn là một hoạt động thường xuyên trong nhà trường. Theo quy định mỗi tổ sinh hoạt 2 tuần 1 lần. Đây là một trong những hình thức quan trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, giúp giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy.
Ở trường THCS Nguyễn Du, hiện nay gồm có 3 tổ chuyên môn:
- Tổ Văn, Lịch sử – Địa lí, GDCD, Nghệ thuật;
- Tổ Toán, Tin, Ngoại ngữ;
- Tổ KHTN, Công nghệ, Thể dục, Thiết bị, Thư viện.
Nhìn vào tên mỗi tổ, ta dễ dàng nhận thấy điểm chung là việc ghép các môn lại với nhau thành một tổ. Điều này đã tạo ra không ít khó khăn trong việc sinh hoạt tổ chuyên môn. Đặc biệt là khi thống nhất trong phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh của Chương trình GDPT 2018.
Hiện nay theo xu hướng đổi mới giáo dục là chuyển từ nền giáo dục mang tính hàn lâm xa rời thực tiễn sang một nền giáo dục chú trọng thực hành định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Để đạt được mục đích đó, GVBM phải đổi mới phương pháp giảng dạy một cách mạnh mẽ và triệt để . Tuy nhiên vì đặc thù là tổ ghép các môn chỉ có một hoặc hai giáo viên trong một tổ nên công tác dự giờ, thao giảng gặp khó khăn khi trao đổi chuyên môn, góp ý đánh giá sau tiết dạy. Nhất là sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, bản thân giáo viên được dự giờ chưa thật sự nhận ra điểm mạnh, điểm còn hạn chế của mình. Từ đó buổi sinh hoạt chuyên môn chưa hiệu quả, chưa thật sự góp phần nâng cao năng lực của giáo viên.
Tổ Văn, Lịch sử – Địa lí, GDCD, Nghệ thuật dự giờ môn GDCD
Tổ Văn, Lịch sử – Địa lí, GDCD, Nghệ thuật dự giờ môn Mĩ thuật
Tổ Văn, Lịch sử – Địa lí, GDCD, Nghệ thuật dự giờ môn Ngữ văn
Trước tình hình trên, nên chăng Tổ bộ môn huyện cần tham mưu với Hôi đồng bộ môn huyện, Phòng giáo dục thường xuyên tổ chức Hội giảng nhằm giúp giáo viên ở các đơn vị thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Riêng bản thân mỗi giáo viên cần tập trung sâu vào các phương pháp, kiến thức chuyên môn trên tinh thần đổi mới. Khi thảo luận rút kinh nghiệm tiết dạy cần chân tình, thẳng thắng với tinh thần giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Cần mạnh dạn, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy. Đối với những tiết học mà giáo viên còn nhiều băn khuăn, lúng túng thì cần trao đổi kĩ, có thể tổ chức cho một giáo viên có nhiều kinh nghiệm dạy mẫu để cùng nhau học hỏi, rút kinh nghiệm.
Tóm lại, việc sinh hoạt chuyên môn trong các tổ ghép tuy còn gặp không ít khó khăn vướng mắc nhưng chúng ta cùng ngồi lại tháo gỡ, cùng phối hợp hành động, giúp đỡ nhau thì nhất định sẽ vượt qua. Tin rằng trong thời gian tới sinh hoạt tổ chuyên môn là môi trường để tình đồng nghiệp ngày càng nảy nở và gắn bó. Cùng giúp đỡ nhau thành công trong sự nghiệp trồng người vẻ vang.
Nguồn: Tổ chuyên môn
Người viết: Phan Thị Cẩm Nhung