KỶ NIỆM SÂU SẮC VỀ THẦY CÔ VÀ MÁI TRƯỜNG

MIỀN THƯƠNG

“Lặng xuôi năm tháng êm trôi

Con đò kể chuyện một thời rất xưa

Có người chèo chống đón đưa

Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều”

Bài thơ này em đã nghe từ lâu lắm, đến nỗi bây giờ chẳng thể nhớ được tên. Nhưng em nghĩ nó được sáng tác để dành riêng tặng cô – người em yêu quý nhất. Đó chính là cô Cẩm Nhung.

Cô có vẻ ngoài rất ưa nhìn. Dịu dàng thanh tú với mái tóc đen nâu vừa chấm ngang vai không thể lẫn đi đâu được. Dưới vầng trán cao là đôi mắt tinh anh và loáng thoáng vài vết chân chim. Mới nhìn ai cũng nghĩ cô là người nghiêm khắc nhưng kỳ thực cô rất tâm lý và hài hước. Đến bây giờ em vẫn nhớ như in cái hôm cô nhận chủ nhiệm lớp. Hôm đó cô làm tụi em cười mỏi cả miệng. Thoải mái, vui tươi là thế nhưng cô là một người rất cầu toàn và quyết đoán. Vậy nên, nếu tìm một điểm để chê, em xin lỗi là không.

Trong tiết Ngữ văn đầu tiên, cô đã hướng dẫn cho cả lớp rất chi tiết về cách trình bày trong tập. Lúc đó em nghĩ cô đã kỹ tính quá mức. Nhưng rồi em chợt hiểu, cô làm vậy cũng vì chúng em mà thôi. Học văn là học lễ, học cách làm người mà trước hết đó là sự cẩn thận chỉn chu.

Là một giáo viên dạy văn, chắc hẳn cô sẽ vấp phải nhiều định kiến. Nào là giáo viên văn chỉ toàn suy diễn mơ mộng, giáo viên văn còn hiểu rõ tác phẩm hơn cả tác giả… Ấy vậy mà cô đã đập tan những định kiến ấy chỉ bằng câu nói: “Một tác phẩm văn học giống như một tảng băng trôi, ba phần nổi bảy phần chìm. Nhiệm vụ của người học văn là hiểu thấu những phần chìm ấy và giáo viên dạy văn họ có thể mơ mộng nhưng không hề suy diễn. Họ chỉ đang ngẫm nghĩ rất lâu trên lao động của người khác để thẩm thấu các giá trị. Tất cả đều dựa trên những lý lẽ xác đáng.” Nghe cô nói xong, em vừa thấy vui lại vừa xấu hổ. Vui vì có người cô thật tuyệt vời. Còn xấu hổ vì đã trót tin vào những định kiến sai lầm kia.

Cô chỉ làm chủ nhiệm lớp em đúng một tháng. Nhưng thực sự là một khoảng thời gian đẹp nhất trong suốt quãng đời cấp hai của chúng em. Nếu không phải cô, ai sẽ dạy em cách làm một bài văn hay? Ai sẽ dạy em cách đối nhân xử thế? Con người ta thường cảm thấy tiếc nuối khi đã mất đi một cái gì đó, dù là những điều nhỏ nhất. Một tháng trời trôi nhanh như gió. Khi nghe tụi bạn trong lớp đồn rằng cô không còn chủ nhiệm nữa, cảm giác như sét đánh giữa trời quang. Suốt hai tiết đầu em cứ nhấp nhỏm không yên, cứ như bị kiến cắn. Chỉ mong sao nhanh chóng ra chơi để hỏi

lại cô. Vậy mà khi gặp cô, lòng em thắt lại. Lời nói vừa định thốt lên cứ nghẹn ứ trong cổ họng. Em chạy lên lầu và khóc. Khóc vì cô không còn là chủ nhiệm của lớp em nữa. Khóc vì người mẹ thứ hai không còn kề cận ở bên thường xuyên. Em không giận sự lựa chọn của cô. Em không giận quyết định của nhà trường nhưng em buồn nhiều lắm!

Phải mất khá lâu em mới nguôi ngoai nỗi buồn ấy. Cũng từ hôm đó trở đi, trong cặp em luôn xuất hiện cuốn sách Ngữ văn và tập thơ của cô. Nếu như trước đây cô luôn lo lớp mình thiếu đoàn kết thì bây giờ các bạn đã hòa đồng gắn bó hơn rồi cô ạ. Và dạo này, em cũng dành thời gian để trò chuyện chơi đùa cùng các bạn. Em không còn nhút nhát, đơn lẻ nữa. Cô yên tâm nhé!

h2

Em Nguyễn Tuyết Ngân lớp 9A1

Có một điều làm em ray rứt mãi. Đó là hôm cô giao bài tập ở lớp, em chẳng những không làm mà còn ngồi “tám chuyện” với các bạn khác. Để rồi lúc cô sắp kiểm tra em đã trốn về trước, lại còn nhờ các bạn nói dối rằng em “gặp sự cố”. Trời mưa to nhưng vì sợ cô trách phạt em đã bất chấp đội mưa về nhà. Em sai rồi phải không cô? Dù biết thi học sinh giỏi môn Ngữ văn chỉ có một mình mình thôi mà không chịu cố gắng, làm phụ lòng cô. Từ nay em xin hứa sẽ chăm ngoan, không sao nhãng việc học vậy nữa.

Cô Cẩm Nhung ơi! Em dành cho cô biết bao tình cảm. Nhưng đó là những cảm xúc không lời. Vậy nên khi đặt bút viết về cô, ngôn từ bỗng trở nên bất lực.  Em không biết phải viết như thế nào về một miền thương bất tận.  Em cảm ơn cô đã đến và là một phần ký ức tươi đẹp của tuổi học trò chúng em. Mai này, mai này và mãi mãi vẫn luôn nhớ về cô…

Nguyễn Tuyết Ngân

Lớp 9a1, Trường THCS Nguyễn Du