Báo cáo Kiểm định chất lượng giáo dục

Đăng ngày: 2019-11-23 12:51:21
Sửa ngày: 2019-11-23 12:51:21
Người đăng: thcsnguyendu

Tên file: Bao-cao-TDG-THCS-Nguyen-Du_2019.pdf
Kích thước: 877.70 KB
Tải về


Trường trung học cơ sở Nguyễn Du được thành lập và đi vào hoạt động từ năm học 2003 – 2004 theo quyết định số 58/QĐ-UB ngày 30/6/2003 của Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng (năm 2006 thay bằng quyết định số 174/QĐ-UBND-TL, ngày 28/12/2006), nguồn học sinh ban đầu vốn là học sinh khối trung học cơ sở (gồm lớp 6, 7 & 8) của trường Tiểu học Bình Phú 2, được tách ra để thành lập trường THCS Nguyễn Du. Trong năm học đầu tiên 2003-2004, trường có 4 lớp với 180 học sinh và 11 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Từ khi thành lập, do chưa có cơ sở riêng, nhà trường phải học nhờ các trường bạn cụm xã Bình Phú trong nhiều năm liền (từ năm học 2003-2004 đến năm học 2005-2006), do đó đã ảnh hưởng không ít đến chất lượng dạy học và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường.

Tháng 8 năm 2006, nhà trường chính thức về cơ sở mới hiện nay với 05 phòng học và 02 phòng chức năng. Trường có tổng diện tích là 3.718m2, tọa lạc tại khu dân cư, ấp Công Tạo, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

Với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ CB, GV, NV và HS nhằm ổn định nền nếp, nâng cao chất lượng cùng với ý thức xây dựng thương hiệu, năm học 2011-2012, UBND tỉnh ra quyết định số 254/QĐ-UBND.HC, ngày 21/3/2012 của chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, về việc công nhận trường THCS Nguyễn Du đạt chuẩn quốc gia năm 2012 và là trường THCS thứ hai trong huyện Tân Hồng được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo bộ chuẩn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Thông tư số 06/2010/TT-BGDĐT ngày 26/02/2010, V/v ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT đã kiểm tra và ra Quyết định số 56a/QĐ-SGDĐT, ngày 16/01/2014 của Sở GD-ĐT Đồng Tháp về việc công nhận trường THCS Nguyễn Du huyện Tân Hồng đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 2.

Về cơ cấu tổ chức, nhân sự, trường có Chi bộ Đảng, Ban giám hiệu, tổ chức Công đoàn cơ sở, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh; có 04 tổ chuyên môn, 01 tổ văn phòng. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 29 người.

Về học sinh, trường hiện có 10 lớp cho 4 khối 6, 7, 8, 9 với tổng số 365 học sinh được rải đều trên địa bàn hai ấp Gò Da và Công Tạo, một số khác thuộc ấp Cả Găng và các xã lân cận như Tân Hộ Cơ, thị trấn Sa Rài.

Công tác quản lý chất lượng, trong những năm qua luôn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo nhà trường và được tổ chức thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả từ Ban giám hiệu đến các Tổ chuyên môn. Nhà trường đảm bảo thực hiện đúng, đủ kế hoạch thời gian năm học và nội dung chương trình giáo dục theo quy định của Bộ; việc đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá được đẩy mạnh, bên cạnh đó việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đổi mới phương pháp dạy học và quản lý cũng được chú trọng và đầu tư thêm các thiết bị dạy học cho các phòng học ứng dụng CNTT. Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngay từ năm học 2009 – 2010, nhà trường đã tổ chức việc dạy học 02 buổi/ngày cho tất cả HS các khối lớp theo tinh thần công văn 7291/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD-ĐT là tập trung cho việc phụ đạo HS yếu kém; bồi dưỡng HS giỏi; giãn thời gian với các nội dung dài, khó dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; hoạt động văn nghệ, thể thao và các hình thức Câu lạc bộ ngoại khóa phù hợp với đối tượng học sinh, do đó đã tạo nên những chuyển biến khá mạnh mẽ về chất lượng: Số HS bỏ học giảm, tỷ lệ HS lên lớp thẳng và HS giỏi, HS tiên tiến hàng năm đều tăng, trong nhiều năm liền nhà trường luôn có học sinh giỏi cấp Huyện, cấp Tỉnh và các phong trào thi đua cũng đạt được những thứ hạng cao trong huyện. Việc giáo dục đạo đức HS cũng được đặc biệt quan tâm. Nhà trường chủ trương giáo dục đạo đức HS thông qua thái độ tận tụy với nghề, tình thương yêu và tôn trọng HS của người Thầy, kết hợp với nội dung phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cùng với việc giáo dục HS những giá trị cơ bản trong mục tiêu phát triển dài hạn của nhà trường như “Đoàn kết-Trung thực-Trách nhiệm-Hợp tác-Sáng tạo”. Bên cạnh đó, việc quản lý nền nếp trật tự kỷ luật HS còn được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ bởi đội ngũ giáo viên chủ nhiệm (GVCN), cán bộ trực quản sinh là các thầy cô có kinh nghiệm giáo dục và có uy tín đối với HS và cha mẹ học sinh (CMHS).

Công tác bồi dưỡng đội ngũ cũng được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Cùng với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo  dục” và các cuộc vận động của ngành, nhà trường còn khuyến khích và tạo điều kiện cho CB, GV, NV nâng cao trình độ bằng nhiều hình thức, như: tự học, đi học nâng cao, dự các lớp tập huấn ngắn ngày, hoặc tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, dự giờ, sinh hoạt tổ chuyên môn,… Bên cạnh đó công việc của từng thành viên trong nhà trường đều được quy chế hóa bằng văn bản nhằm công khai để người có trách nhiệm giám sát đồng thời cũng tạo điều kiện để các thành viên hiểu biết, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc, qua đó, xây dựng một tập thể đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ và gắn bó với nghề.

Về quản lý tài chính, tài sản, nhà trường thực hiện theo các văn bản pháp quy hiện hành của Nhà nước. Tất cả các nguồn tài chính, tài sản được quản lý, sử dụng một cách hiệu quả, đúng mục đích, theo nguyên tắc công bằng, minh bạch và công khai trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế quản lý tài sản.

Thuận lợi cơ bản của nhà trường là có hệ thống cơ sở vật chất (CSVC) đầy đủ khang trang với trang thiết bị khá đồng bộ, đáp ứng khá tốt cho hoạt động dạy học và các hoạt động giáo dục. Đội ngũ giáo viên (GV) đa số trẻ, nhiệt tình, có trình độ đào tạo đạt chuẩn. Lãnh đạo nhà trường có kinh nghiệm và sâu sát trong quản lý, điều hành.

Khó khăn cần giải quyết hiện nay là trường còn khá nhiều HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ ít quan tâm đến việc học tập của con cái, do đó ảnh hưởng không ít đến chất lượng học tập chung của nhà trường.