Tài liệu Rèn kỹ năng sống cho học sinh

GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG

  1. KHÁI NIỆM
  2. Nội hàm kĩ năng sống: Sức khoẻ, sống khoẻ mạnh và kỹ năng sống có mối quan hệ mật thiết.

1.1. Sức khoẻ: Là trạng thái thoả mãn một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội. Người có sức khoẻ tốt được hiểu là người có trạng thái thể chất, tinh thần và xã hội tốt. Như vậy, con người không có bệnh tật mới chỉ là một trong các chỉ số để đánh giá sức khoẻ, song không phải đó là điều kiện đủ. Khoa học đã chỉ ra rằng bệnh tật có mối quan hệ chặt chẽ với trạng thái tinh thần (thể chất) và xã hội. Người sống trong lo âu, suy nghĩ tiêu cực về một cuộc sống quá nhiều dễ sinh ra nhiều bệnh, ốm đau.

1.2. Sống khoẻ mạnh: Là sống có được sức khoẻ về thể chất, tinh thần và xã hội. Ngoài điều kiện khách quan tạo cho con người có sức khoẻ thì vấn đề mỗi người phải chủ động tận dụng các cơ hội đó, tạo cho mình cân bằng trong cuộc sống và vươn lên làm chủ hoàn cảnh. Cùng một điều kiện thời gian đồng khách quan về điều kiện sống, song con người ta rất khác nhau về mức độ sống khoẻ mạnh. Biết làm chủ sức khoẻ và tham gia cải thiện điều kiện khách quan.

1.3. Làm thế nào để sống khoẻ mạnh

 Mục tiêu

+ Hiểu khái niệm sức khoẻ và sống khoẻ mạnh

+ Biết các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ và cuộc sống khoẻ mạnh

Khái niệm

– Tổ chức y tế thế giới định nghĩa: Sức khoẻ là trạng thái thoả mãn về thể chất, tinh thần và xã hội.

Lưu ý: Sức khoẻ không chỉ là không có bệnh tật.

– Các nhà nghiên cứu từ thời kỳ cổ đại cho rằng: Sức khoẻ là có tinh thần khoẻ mạnh trong cơ thể cường tráng, trong gia đình khoẻ mạnh, trong môi trường lành mạnh.

– Các nhà sinh thái học cho rằng: Sức khoẻ là một sự thăng bằng động giữa con người và môi trường sống quanh người đó; bệnh tật là một sự không thích nghi của bộ phận cơ thể đối với môi trường xung quanh.

Các khía cạnh của sức khoẻ:

– Sức khoẻ thể chất: Không bệnh tật; cơ thể khoẻ mạnh cường tráng.

– Sức khoẻ tinh thần: Tâm lý, tình cảm tinh thần của con người thể hiện trong giao tiếp, hướng tới cái đẹp, tử tế. Bệnh tinh thần: do nhận thức không đúng, không phù hợp với điều kiện xã hội, môi trường, quy luật tư duy.

– Sức khoẻ xã hội: Quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, xã hội: Con người thuộc về nhóm xã hội nào đó, được trân trọng và không phân biệt đối xử.

Kỹ năng sống: Là năng lực ứng xử tích cực của mỗi người đối với các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy của chính mình.

– Hiện nay người ta quan niệm khác nhau về kỹ năng sống, chưa có một khái niệm duy nhất được tất cả mọi người công nhận. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể thống nhất với nhau ở một số nội dung cơ bản như đã nêu trên đây.

– Có người cho rằng kỹ năng sống là khả năng tâm lý xã hội của mỗi người được thể hiện ở hành vi tích cực trong việc xử lý hiệu quả các đòi hỏi, thử thách của cuộc sống hàng ngày.

UNICEF: Kỹ năng nhận biết và sống của chính mình, với người khác để có khả năng ra quyết định.
Anh Quốc:  KNS bao gồm các nội dung sức khoẻ, an toàn, tiếp thu tích cực, đáp ứng tích cực, biết tự thu xếp lấy hoàn cảnh kinh tế và cải thiện nó.
 UNESCO: 4 trụ cột của giáo dục: Học để biết – Học để chung sống – Học để tự khẳng định mình – Học để làm việc.
Hồ Chí Minh:

 

– Học để làm việc – làm người – làm cán bộ
– Học để phụng sự đoàn thể
phụng sự giai cấp và nhân dân
phụng sự Tổ quốc và nhân loại
– Muốn đạt mục đích thì phải: Cần, Kiệm, Liêm, Chính Chí Công Vô Tư.                          (Tháng 9 năm 1949)

Kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng “mềm”

Mỗi nghề nghiệp đều có yêu cầu phải biết và ngày càng phải thuần thục một số hành vi tích cực để đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp chuyên môn. Đó là các kỹ năng nghề nghiệp.

Các kỹ năng có tính chất hỗ trợ kỹ năng nghề nghiệp được gọi là kỹ năng mềm (ví dụ như kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…). Tùy theo nghề nghiệp mà đòi hỏi phải có kỹ năng “mềm” khác nhau về chủng loại và mức độ.

  1. Vai trò của kỹ năng sống

2.1. Vai trò trong đời sống

– Kỹ năng sống giúp cho mọi người tự cân bằng được cuộc sống hàng ngày, góp phần tạo ra môi trường xã hội lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

– Kỹ năng sống được hình thành và củng cố trong quá trình sống của mỗi người, giúp cho mỗi người nâng cao năng lực ứng phó trong mọi tình huống căng thẳng hàng ngày.

 2.2. Quá trình hình thành kỹ năng sống

Tạo cho người ta có được tri thức đã được đúc kết, chắt lọc của nhân loại về kỹ năng sống. Từ đó cùng với sự chủ động của mỗi người để họ có được sự tự ý thức và rèn luyện các khả năng ứng phó với tình huống xã hội gặp phải. Mỗi người tự tìm hiểu thì sẽ rất khó khăn. Nếu được học tập, rèn luyện có hướng dẫn thì kết quả sẽ khả quan hơn. Do vậy giáo dục kỹ năng sống là cần thiết đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

 2.3.Nội dung của giáo dục kỹ năng sống bao gồm:

Các tri thức về mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, giữa các con người với nhau; thái độ tích cực của mỗi cá nhân đối với lối sống có văn hoá của xã hội; tự nâng cao ý thức và khả năng của mỗi người; góp phần phát triển, hoàn thiện thêm các khả năng ứng xử tích cực của mỗi người trước các tình huống gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.

   2.4. Tác dụng cụ thể

– Có được kiến thức và dần dần hình thành kỹ năng để sống khoẻ mạnh, phòng chống các loại bệnh tật và có thái độ tích cực, có kỹ năng sống tốt cho mỗi người trong điều kiện cụ thể khác nhau.

– Nâng cao khả năng tự xác định các giá trị của bản thân mình trong các tình huống cụ thể của cuộc sống. Góp phần ngăn chặn cái nguy có xâm hại của một số tác động xấu đem lại.

– Hỗ trợ trong quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Tạo môi trường thân thiện cho mọi người để thúc đẩy cá nhân và cộng đồng cùng phát triển.

– Tạo điều kiện phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, chủ động trong hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.

– Xác định: Có khoảng cách giữa kiến thức và hành vi của mỗi người ở mỗi hoàn cảnh cụ thể. Từ đó việc trang bị kiến thức là điều kiện cần thiết phải có song phải cần có cả ý thức và năng lực ứng xử thực tiễn của mỗi người. Đây là mối quan hệ mật thiết, biện chứng được phát triển dần dần và bền vững tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân cụ thể.

  1. MỘT SỐ KỸ NĂNG SỐNG CƠ BẢN
  2. Kỹ năng giao tiếp

– Là kỹ năng làm việc có hiệu quả với một tập thể, cá nhân; ứng xử của mỗi người khi tiếp xúc với người khác; thái độ cảm thông và ý thức hợp tác của mỗi người; khả năng bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc đối với người khác.

– Nội dung cụ thể bao gồm xây dựng tình bạn, tạo sự cảm thông, ngăn chặn và làm chủ bản thân trước sự lôi kéo, cám dỗ không lành mạnh, trao đổi tranh luận giải quyết xung đột không cần bạo lực, giao tiếp hiệu quả, biết lắng nghe hợp lý.

  1. Kỹ năng tự nhận thức bản thân

– Là kỹ năng nhận thức về bản thân, bao gồm trình độ, khă năng, điều kiện,  đặc điểm tính cách, thói quen, thái độ, cách thức suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu của chính mình. Từ đó, có cách ứng xử tích cực với cuộc sống.

– Biết mình, biết điều kiện có thì sẽ tạo ra cho mỗi người xác định hành vi, ứng xử một cách phù hợp và vững tin với cách xử lý của mình.

Làm thế nào để tự nhận thức:

+ Tự đánh giá

+ Tranh luận trao đổi, giao lưu với người khác để tự thấy mình.

+ Sự góp ý, đánh giá khách quan của người khác.

+ Làm thử, thí điểm một số hoạt động để bộc lộ mình.

  1. Kỹ năng xác định giá trị:

– Là khả năng nhận biết giá trị của điều mà mình cho là quan trọng cần giữ gìn và phát huy. Từ đó có thái độ, hành vi để bảo vệcác giá trị đó. Biết bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai một cách hợp lý là kỹ năng xác định giá trị.

– Cách thức xác định: Tìm hiểu các khía cạnh của giá trị quan tâm. Trao đổi, kiểm nghiệm bằng cuộc sống bản thân, ghi nhận và bổ sung, cập nhật, mở rộng (nếu có)

– Sử dụng: Vận dụng  vào cuộc sống để có được kết quả và cập nhật thông tin tạo ra một nhóm, cộng đồng các giá trị để tạo cộng hưởng trong đời sống.

  1. Kỹ năng suy nghĩ sáng tạo

Cách thức, phương pháp tự tư duy độc lập để tìm ra giải pháp tối ưu trong các tình huống cuộc sống.

Trước khi ứng xử thì phải chủ động xác định con đường, cách thức của mình dự kiến thực hiện, không nhất thiết phải theo lối mòn đã có khi mình tìm được con đường hợp lý, tốt đẹp hơn.

Tạo cho cuộc sống không nhàm chán, sống có bản lĩnh và cá tính vững vàng, bền vững trong cuộc sống hiện tại và tương lai.

Cách tạo ra suy nghĩ sáng tạo:

+ Tổng hợp từ tri thức và kinh nghiệm của cuốc sống

+ Dựa trên các qui luật của chuyên ngành và phương pháp tư duy để phân tích.

+ Liên hệ với thực tiễn, điều kiện của mình

+ Chủ động đưa ra giải pháp của mình

+ Trao đổi với người có liên quan để xử lý

Lưu ý: Trước khi hỏi phải suy nghĩ chủ động, kể cả suy nghĩ cách hỏi.

  1. Kỹ năng ra quyết định

Bao gồm 3 bước:

+ Thu thập thông tin càng đầy đủ càng tốt. Nếu thông tin được tập hợp đầy đủ thì đảm bảo quá nửa cho việc quyết định thành công trong quyết định.

+ Đưa ra hệ thống các giải pháp, hướng đi để cân nhắc khách quan các khả năng có thể khi quyết định. Có suy nghĩ độc lập, sáng tạo.

+ Chọn giải pháp tối ưu hoặc phù hợp với điều kiện cụ thể mà bản thân tâm đắc nhất. Sau đó tập trung mọi nguồn lực để giải quyết theo hướng đã chọn, tránh việc thay đổi lớn trong quá trình thực hiện.

  1. Kỹ năng làm chủ bản thân

– Tuân theo những quy luật chung, cơ bản để tìm ra chỗ dựa vững chắc cho bản thân. Từ đó có được sự kiên định để làm chủ bản thân.

– Gianh giới giữa làm chủ và không tự chủ bản thân là rất mong manh. Nếu không có tri thức tương xứng với công việc thì khó tự chủ. Đồng thời sự trung thực, tự giác là gốc của sự tự chủ. Không lừa dối chính mình là cơ sở của sự tự chủ.

– Có sự độ lượng, tử tế với người khác là điều kiện cần của sự làm chủ bản thân. Đó chính là sự kiềm chế bản thân để tạo ra sự đồng thuận cộng đồng trong khuôn khổ có thể chấp nhận được.

– Không biết làm chủ trong trường hợp rủi ro, có nỗi buồn thì sẽ đánh mất một phần cuộc sống. Lo âu sẽ làm người ta sinh bệnh, ai không chiến thắng lo âu thì người đó sẽ tổn thọ.

  1. Kỹ năng kiên định

– Tính kiên định: Thực hiện mong muốn (hoặc từ chối) với sự xem xét khách quan, hài hoà giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của các bên tham gia, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài. Kiên định là sự cân bằng, hài hoà giữa hiếu thắng, vị kỷ và phục tùng, phụ thuộc.

– Hiếu thắng: Chỉ nghĩ lợi ích, nhu cầu bản thân, quên quyền và nhu cầu của người khác, luôn muốn người khác phải phục tùng mình dù rằng đó là đúng hoặc sai.

– Phục tùng: Phụ thuộc, bị động, coi quyền và nhu cầu người của người nào đó là trên hết, quên hết lợi ích, nhu cầu của mình dù đó là điều bất hợp lý.

  1. Kỹ năng đặt mục tiêu

– Mục tiêu được thể hiện bằng ngôn ngữ cụ thể, không chung chung,viển vông, lượng hoá được kết quả cụ thể để có thể kiểm định được.

– Xác định các bên liên quan (chủ trì, phối hợp trong thực tiễn).

– Xác định thời gian hoàn thành, các mốc thời gian trung gian.

– Có nguồn lực đảm bảo.

  1. Kỹ năng ứng phó với tình huống căng thẳng

– Sự căng thẳng sẽ làm người ta tập trung vào công việc hoặc huỷ diệt một phần của cuộc sống. Điều đó phụ thuộc vào việc người đó có vượt qua được sự căng thẳng với ứng xử hợp lý và đem lại kết quả tích cực, hoặc bị thất bại, không vượt qua được do thiếu kỹ năng đó.

– Sự căng thẳng thể hiện ở: Thể chất, tình cảm, tư duy.

– Giải toả sự căng thẳng: Xác định nguyên nhân, các giải pháp, đặt mục tiêu sau giải quyết căng thẳng, tập trung xử lý theo khả năng có thể đã chọn (tiếp tục vượt qua để đạt mục tiêu loại từ chối).

————————————————————

(Nguồn: Sưu tầm)