Những phẩm chất cần có ở một người giáo viên chủ nhiệm

Các phẩm chất này song hành với 2 yếu tố cơ bản của người GVCN, đó là: cái Tâm và cái Tài. Khi hội tụ đủ các phẩm chất và yếu tố đó thể hiện thông qua các nội dung cơ bản của công tác chủ nhiệm, bản thân người GVCN lớp tự tỏa sáng và học sinh sẽ noi theo.

GVCN

Tại sao hầu hết trẻ em khi sinh ra đều yêu quý, thậm chí “thần tượng” bố mẹ (hoặc người nuôi dưỡng mình) nhiều nhất? Bởi vì: Đó là những người đầu tiên mà đứa trẻ biết và gắn bó đầu tiên trong cuộc đời của trẻ. Đến tuổi đi học, thầy cô mà học sinh gắn bó trước nhất và nhiều nhất là GVCN- người trực tiếp chỉ đạo lớp và là người có nhiều thời gian tiếp xúc với học sinh của lớp trong mọi hoạt động giáo dục ở nhà trường. Vậy liệu GVCN có là người khiến học sinh yêu quý và ngưỡng mộ nhất?

  1. Tại sao người GVCN cần có phẩm chất, tình cảm của một người mẹ?

– “Mẹ thì hiền”, “mẹ cũng có thể nghiêm khắc nhưng bao giờ cũng yêu quý con, hiểu con và chia sẻ với con những điều con vướng mắc”, “mẹ luôn là chỗ dựa tin cậy mỗi khi con vấp ngã hoặc sai lầm”…

– Thời gian học sinh ở trường có thể bằng, thậm chí nhiều hơn ở nhà, con người nói chung và học sinh cũng vậy, luôn khao khát được yêu thương, được vỗ về, an ủi. Vậy nên, nếu người GVCN nào dành cho học sinh thái độ, tình cảm như của mẹ dành cho con, hiệu quả công tác chủ nhiệm sẽ lớn hơn rất nhiều so với GVCN lạnh lùng, thờ ơ không gần gũi yêu thương học sinh.

  1. Tại sao GVCN cần phải “là người bạn” của học sinh?

– Nhu cầu chia sẻ tâm tư, tình cảm, trao đổi phương pháp học tập…của học trò là rất lớn. Có những điều các em không nói với mẹ, không nói với thầy cô mà chỉ tâm sự với bạn.

– Bởi vậy, nếu GVCN tạo được niềm tin tưởng, sự thân thiện gần gũi với học sinh, các em sẵn sàng tâm sự, kể cả những điều sâu kín nhất của lứa tuổi. Khi đó, GVCN có cơ hội hiểu các em hơn, tư vấn và gỡ rối cho các em những băn khoăn của tuổi mới lớn, những mâu thuẫn của quan hệ học trò, thậm chí cả những khúc mắc trong gia đình…Khi “là người bạn” của các em, không hề làm giảm vị thế của GVCN mà trái lại, uy tín của người GVCN tăng lên đồng thời tạo lập một môi trường, một không khí gần gũi, thân thiện đoàn kết trong lớp.

  1. Tại sao GVCN cần có phải có năng lực của  một “luật sư” và “thẩm phán”?

– Một lớp học từ 30-40 học sinh với sự đa dạng về tính cách, với sự phức tạp của tâm lý lứa tuổi không thể tránh khỏi những mâu thuẫn xung đột trong tập thể lớp và các phát sinh các tình huống giáo dục

– Vì vậy, người GVCN phải là một nhà tâm lý, biết kìm chế căng thẳng và quản lý cảm xúc bản thân, hiểu quy luật phát triển tâm lý và các điều kiện phát triển tâm lí ở lứa tuổi học sinh để từ đó xây dựng Kế hoạch công tác chủ nhiệm cho phù hợp và hiệu quả.

– GVCN phải là một “luật sư”, một nhà quản lý, một vị“ thẩm phán” giỏi để bào chữa và giải quyết một cách thuyết phục, thỏa đáng những mâu thuẫn xung đột trong tập thể lớp.

  1. Yếu tố “nhà khoa học” giúp gì trong công tác của người GVCN?

– Một GVCN thành công trong công tác chủ nhiệm là: lớp chủ nhiệm có nề nếp tốt, có chất lượng học tập tốt, nhiều học sinh đạt được thành tích cao trong học tập.

– Muốn vậy, ngoài những phẩm chất trên, người GVCN cũng cần phải là một giáo viên dạy giỏi và luôn luôn biết khích lệ, biết thắp sáng “ngọn nến” say mê trong lòng người học.

  1. Là “người mẹ giàu lòng yêu thương”; là “người bạn chân thành, vị tha”; là “luật sư am hiểu luật”; là “vị thẩm phán công bằng nghiêm minh”; là “nhà khoa học với vốn tri thức phong phú”…người GVCN có đủ các yếu tố đó, chính là “Tấm gương sáng” cho học sinh.

Trong thực tiễn giáo dục nói chung và trong công tác chủ nhiệm nói riêng không có phương pháp giáo dục nào hiệu quả và  thuyết phục bằng… bản thân nhà giáo dục!

Cácphẩm chất trên song hành với 2 yếu tố cơ bản của người GVCN, đó là: cái Tâm và cái Tài. Khi hội tụ đủ các phẩm chất và yếu tố đó thể hiện thông qua các nội dung cơ bản của công tác chủ nhiệm, bản thân người GVCN lớp tự tỏa sáng và học sinh sẽ noi theo.

                                                                                                       (Admin-Sưu tầm)